Mục lục
I: Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ
Thế nào là rối loạn giấc ngủ trẻ thơ? Điều này thật khó xác định, chỉ có cha mẹ mới rõ. Có thể cháu khó ngủ, quấy khóc, thức đêm hoặc lo phải xa mẹ. Cũng có thể cháu bị rối loạn do thói quen xấu khi ngủ, do bú đêm nhiều hoặc do sinh thiếu tháng, phải truyền tĩnh mạch lâu.
Đây không phải vấn đề của cháu mà là của cha mẹ. Chính các bà mẹ đã vì quá thương yêu, say sưa con mà làm chúng dễ tỉnh thức, làm chậm phát triển khả năng tự ru ngủ trong con người cháu. Sau đây là một vài ví dụ:
Những rắc rối về hôn nhân
Khi có bất hòa (vợ chồng to tiếng, ly thân, ly hôn), người mẹ không nằm với bố mà sang nằm với con, làm cho con khóc. Có khi mẹ cho mình là đúng nên sang với con, lấy con làm niềm an ủi mình, vô tình đã gieo vào đầu óc trẻ những niềm băn khoăn, thắc mắc, khó ngủ.
Giận hờn
Đôi khi người mẹ giận hờn vì một việc gì đó, nhưng không thể hiện với chồng mà thể hiện với con, hy vọng qua con, nỗi bực tức sẽ đến chồng. Nhưng sự thể hiện này đã đến với con không đúng lúc, làm cháu thức, hoặc sự thiếu âu yếm làm cho con lo nghĩ, giấc ngủ mất bình thường.
Mẹ ít được yêu chiều
Người mẹ là trung tâm của gia đình, là hình mẫu của con. Nhưng về mặt tâm lý, người mẹ cần được chiều chuộng, yêu thương. Một số phụ nữ hay phụ thuộc tình cảm vào người chồng, anh chị em trong nhà. Số khác lại sợ xa chồng, sợ sống cô đơn trong lúc sóng gió hay những khi con ốm đau. Nếu người chồng hay cáu kỉnh, ít quan tâm yêu chiều vợ (nhất là khi con bị ốm) thì người vợ càng thêm suy nghĩ, làm ảnh hưởng đến con.
Trong một gia đình ít người, nếu vắng bóng một ai đó (nhất là người chồng), người vợ sẽ cảm thấy trống trải, thiếu an toàn, đêm hôm không yên tâm. Họ sẽ có khuynh hướng dồn tình cảm cho con, khiến con dễ bị rối loạn giấc ngủ.
II: Tâm sinh lý của trẻ
Ngày nay, khoa học đã ghi nhận được những biến đổi về tâm sinh lý của trẻ ngay từ khi còn là bào thai. Trong 3 tháng đầu, các cơ quan thai nhi hình thành.
Tháng thứ 5, cơ quan thính giác hoàn chỉnh và đến tháng thứ 7 thì hoạt động. Thai sống với một nền âm thanh khoảng 90 decibel trong bụng mẹ, quen với tiếng mẹ và bố bên ngoài tử cung. Thời gian này, cơ quan vị giác cũng hoàn chỉnh, thai nhi nhận biết được bốn vị cơ bản: ngọt, mặn, đắng, chua, nhất là ngọt. Cái bọc da bao quanh toàn thân bé cũng tiếp nhận các cảm giác đu đưa, giúp con và mẹ làm quen với nhau bằng nhịp điệu.
Như vậy, thai nhi ở trong một môi trường rất đặc biệt, có thể hiểu được bố mẹ trong giới hạn bằng âm điệu.
Sau khi ra đời, môi trường bên ngoài hoàn toàn mới lạ với cháu. Muốn tồn tại, cháu phải thích nghi dần. Sự thích nghi nhiều hay ít phụ thuộc vào sự trưởng thành của hệ thần kinh.
Những tuần đầu
Hệ thần kinh của trẻ chưa trưởng thành. Cháu chưa có nhịp sáng tối, bị các yếu tố trong môi trường mới ức chế nên ngủ nhiều, không chịu được tiếng động quá mạnh, hay khóc. Cơ quan nhận cảm lúc này là môi, miệng. Trẻ có nhiều phản ứng sinh lý: mút tay, bỏ ăn, đái dầm, nôn trớ, ỉa đùn.
Lúc này, trẻ chỉ bú mẹ, thể hiện mọi cảm giác thông qua bú. Cuộc sống mẹ con lúc này là bất phân. Mẹ hòa vào con làm một theo một kiểu da áp da. Thông qua bú mút, mẹ con hiểu nhau, kiểu hiểu nhau tiền ngôn ngữ.
Ba tháng đầu
Cháu ngủ nhiều, thường thức lúc 6 giờ sáng rồi lại ngủ sau khi được bú và chăm sóc. Đến 8 giờ sáng, cháu thức, 10-12 giờ lại ngủ lại. Sau đó, cháu thức rồi lại ngủ từ 2 đến 4 giờ chiều, sau đó lại thức, đến 7 giờ tối lại ngủ. Nói tóm lại, cháu chỉ ăn và ngủ.
Thời gian này, cháu sống dựa vào mẹ, thần kinh có thể chưa hoàn thiện. Nhưng về sau, số lần ngủ và thời lượng ngủ bớt đi, cháu chơi nhiều hơn. Cháu dần dần phân biệt được sáng tối. Tính tò mò của trẻ phát triển dần, thời kỳ tìm hiểu thế giới bên ngoài bắt đầu. Trẻ chuyển từ chỗ được bế ẵm sang nằm nôi, cá tính hình thành, đủ tính chất của một con người và chuẩn bị tách khỏi mẹ.
Tháng thứ 4 – 9
Nhiều người cho rằng trẻ sống phụ thuộc vào mẹ cho đến trên một tuổi, nhưng theo các nhà nghiên cứu, chúng đã có tính độc lập sớm hơn. Vì thế, cần có lịch biểu ngủ sớm hơn cho cháu.
Khi dưới 4 tháng, trẻ thấy ngày là vô tận vì hệ thần kinh chưa phát triển, cuộc sống còn phụ thuộc. Nhưng sau 4 tháng, trẻ biết phân biệt ăn, ngủ, chơi, đêm, ngày và thấy ngày giờ hữu hạn hơn. Hãy đặt lịch ngủ lúc 6 tháng. Lúc đầu, trẻ có thể chống lại, nhưng
3 tháng sau, cháu đáp ứng ngay. Dưới 4 tháng, trẻ dễ ngủ, bế đi đâu cũng được. Nhưng từ 4 đến 9 tháng, cháu khó ngủ hơn trong môi trường đông và ồn. Do cháu dễ thiếu ngủ, dễ mệt mỏi hơn trước nên phải có lịch ngủ sớm.
Tình yêu thế giới
Thường từ 1 tuổi trở lên, trẻ thôi bú, rời mẹ. Do thần kinh phát triển, cháu muốn khám phá thế giới bên ngoài. Cơ quan vận động cũng bắt đầu phát triển, cháu biết đi, hay quờ quạng, giãy đạp, chuyển từ cái mà ta gọi là giác – động (nhận biết sự vật bằng cảm giác và vận động chân tay) sang suy nghĩ. Giáo sư Nhi khoa Mahler gọi điều này là tình yêu thế giới bên ngoài, bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi 10-15 tháng.
Cũng vì thế mà ở thời kỳ này, tư tưởng cháu phân tán, thêm khó ngủ, chỉ khi quá mệt cháu mới chịu ngủ. Các nghiên cứu cho thấy ở thời kỳ này tổng lượng ngủ ngày và đêm của trẻ đều ít. Cháu chống lại giấc ngủ do quá say mê với những khám phá mới lạ. Vì vậy, người mẹ phải uốn nắn để cháu dễ ngủ.
Tách khỏi mẹ
Từ 1-2 tuổi trở lên, do giác quan phát triển, trẻ nhận thức được xã hội và vũ trụ xung quanh, thấy mình lớn và độc lập, muốn tách khỏi mẹ nhưng không xa mẹ. Trẻ biết đi, biết nghịch, muốn khám phá thế giới xung quanh. Còn người mẹ thấy con “vô kỷ luật” quá thì vừa mừng vừa lo con bị “tai nạn”, muốn khép con vào khuôn phép. Vì vậy, về tâm lý, mẹ con không dễ hiểu nhau.
Tiến sĩ Donald Winicott, một nhà phân tâm nhi khoa đã nói: “Thời kỳ này trẻ có một ý thích khó cản trở là tự tìm hiểu thế giới xung quanh. Đó là hiện tượng quá tự tin ở trẻ”.
Sợ hãi
Từ 2 tuổi trở lên, cháu biết sợ. Thần kinh đã phát triển, cá tính đã hình thành, đã có những khám phá về thế giới xung quanh nên cháu thấy mình quá nhỏ bé so với không gian mênh mông xung quanh. Đầu tiên, cháu cảm thấy sợ hãi vô cớ, sau đó là sợ mất mẹ, xa mẹ, sợ không còn ai để nương tựa (khác với lúc dưới 1 tuổi là hòa mình với mẹ). Nỗi lo sợ này chẳng khác gì cảm giác khi ra nước ngoài, ngôn ngữ không biết, tiền cũng không mà người phiên dịch lại đi đâu mất.
Đây cũng là lúc cháu được chuyển từ nôi sang giường. Nếu giường quá to, trống trải, yên lặng và tối, nỗi khiếp sợ càng tăng. Vì vậy, cha mẹ nên ở cùng con khi con còn thức, và đến ngay khi bé vừa tỉnh dậy. Xung quanh giường, tường nên treo và bày nhiều thứ (đồ chơi, búp bê…) để tăng sự ấm cúng, giảm nỗi lo sợ tự nhiên của cháu.
III: Các phương pháp tập ngủ
Có nhiều phương pháp để làm cho trẻ ngủ. Tuy nhiên, mỗi phương pháp chỉ thích hợp với một lứa tuổi, và không phải đối với cháu nào cũng hữu hiệu.
Về việc dỗ trẻ ngủ, các bà mẹ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nhưng chưa được tổng kết để phổ biến chung. Các nước châu Âu cũng có nhiều phương pháp, nhưng không phải phương pháp nào cũng được thừa nhận.
Một phương pháp tập ngủ tốt phải đơn giản, dễ thực hiện, và phải dựa vào tâm sinh lý các cháu mới vững chắc. Việc hiểu rõ tâm sinh lý của trẻ không những giúp ta chủ động phòng chống rối loạn giấc ngủ cho con mà còn điều chỉnh được rối loạn đó. Sau đây là một số phương pháp cụ thể:
Tạo giấc ngủ bằng kiểm tra
Nếu con hay thức dậy và quấy khóc ban đêm, bạn hãy tập cho con ngủ yên bằng cách vào thăm con nhiều lần nhưng chỉ để kiểm tra. Thái độ của bạn phải kiên quyết, không bế, không ru, nhưng làm con yên tâm. Bạn đứng một lúc, nếu không không thấy gì trục trặc thì dù con còn khóc cũng phải đi ra khỏi phòng. Năm phút sau bạn lại vào kiểm tra, không thấy gì bạn lại đi ra. Làm như vậy 3- 4 lần trong đêm, trẻ sẽ ngủ vì không mong được gì ở bố mẹ.
Đây là phương pháp của Jo Douglas và Naomi Richman, chỉ thích hợp cho trẻ trên 1 tuổi.
Tạo giấc ngủ dài
Đây là phương pháp của Rita J.McGarr và Melbourne F.Hovel. Mục đích của phương pháp này là tăng độ dài giấc ngủ, loại bỏ thói quen khóc đêm.
Cách làm: Đối với những trẻ hay thức dậy quá sớm, cha mẹ hãy chủ động đánh thức con sớm hơn thường lệ 15 phút. Chẳng hạn nếu trẻ thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, bạn hãy đánh thức cháu dậy lúc 3h 45. Khi cháu thức dậy, mẹ hãy ôm và âu yếm, hôn cháu, vuốt ve cháu, sau đó đặt cháu ngủ lại (theo tác giả, với sự âu yếm của mẹ, trẻ sẽ dễ ngủ và không khóc). Tiếp đến, ta lại chủ động đánh thức cháu dậy, nhưng chậm 15-30 phút so với trước. Sau đó, mức chậm tăng dần tới lịch ngủ mong muốn. Nếu trẻ vẫn thức dậy sớm thì làm lại phương pháp này nhưng đánh thức cháu sớm hơn trước 15-30 phút. Phương pháp này chỉ thích hợp với trẻ 3 tháng tuổi.
Tạo giấc ngủ bằng cách cho bú sữa và nước
Phương pháp có thể tiến hành từ ngày thứ 3 sau đẻ, nhưng tốt nhất là từ sau 6 tuần (khi hình thành giấc ngủ đêm)
Cách làm: Cho bú mẹ dồn một lúc, tập trung từ 10-12 giờ đêm, sau đó cho bú nước và âu yếm cháu. Hãy thực hiện qua 6 bước như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị sẵn chai nước.
- Bước 2: Cho bú dồn, đánh thức cháu dậy để bú từ 10-12 giờ đêm. Sau đó, đặt cháu ngủ lại.
- Bước 3: Nếu lần đầu cháu tự thức, người cha hãy vào quấn tã và dỗ dành (không cho mẹ vào). Nhất thiết không bế, không ru, hãy đặt cháu xuống giường hoặc cho ngậm vú ngủ.
- Bước 4: Nếu cháu đã ngủ và bây giờ thức dậy, bạn hãy cố gắng chơi với cháu để “kéo dài thời gian” (có thể bế cháu hoặc đi dạo). Nếu cháu không ngủ, sau khi đặt 10-20 phút, phải bế cháu dậy, chơi với cháu.
- Bước 5: Kéo dài thời gian chơi với cháu càng nhiều càng tốt, nhưng phải cho bú nước, không bú sữa mẹ. Theo tác giả, cháu sẽ bỏ khóc đêm ngay lập tức nếu được cho bú nước và âu yếm nhiều.
- Bước 6: Thay tã, đặt cháu ngủ lại, rồi sau đó cho cháu bú (theo công thức định sẵn).
Tạo giấc ngủ bằng khả năng tự ru ngủ của cháu
Đây là phương pháp kết hợp ngủ với một điều kiện thích hợp của Richard Ferber. Thường đứa trẻ khi ngủ hay kết hợp với một điều kiện nào đó như bế ẵm, nằm trên đi văng, đu đưa trên võng. Khi điều kiện này mất đi thì giấc ngủ khó thực hiện. Phương pháp này nhằm tìm ra một điều kiện kết hợp.
Cách làm:
- Đêm thứ nhất: Khi trẻ thức dậy, cứ để trẻ khóc 5 phút rồi mới vào. Chỉ ở trong phòng 2-3 phút (có tính chất kiểm tra cho yên tâm), không bế, không ru, rồi đi ra, bất kể cháu khóc hay nín, ngủ hay thức. Mười phút sau, đi vào và làm lại các động tác như cũ, xong lại đi ra. Mười lăm phút sau trở lại, làm như trên.
Sau đó, cứ 15 phút bạn lại vào một lần cho đến khi con ngủ. Nếu con còn khóc, hãy vào ra một lần nữa với các khoảng cách thời gian: 5, 10, 15, 15, 15 phút. Nếu cháu đã ngủ thì không vào nữa.
- Đêm thứ hai: Nếu trẻ thức dậy thì cũng làm như trên nhưng khoảng thời gian chậm hơn: 10, 15, 20, 20, 20 phút.
- Đêm thứ ba: Khi trẻ thức, cũng làm như trên, nhưng khoảng thời gian chậm hơn nữa: 15, 20, 25, 25, 25.
Nếu làm như trên, trẻ sẽ biết kết hợp việc đi vào giấc ngủ với việc ngủ lại trong nôi của mình. Vì thế, phương pháp này còn có tên là “luyện khả năng tự ru ngủ”.
Tham khảo thêm các bài viết: